Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư của Chi hội giáo viên tiếng Đức Việt Nam với chủ đề “Tính quốc tế, liên văn hoá và liên ngành trong giảng dạy tiếng Đức thời kỳ toàn cầu hoá” diễn ra từ ngày 6. - 8.10.2017 tại Trường Đại học Hà Nội.
Trong ba ngày từ 6. - 8/10/2017 tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Tổ chức Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), các Đại sứ quán Đức và Áo tại Hà Nội, Viện Gớt Hà Nội và Đại học Hà Nội, Chi hội giáo viên tiếng Đức Việt Nam phối hợp với Khoa tiếng Đức, Đại học Hà Nộitổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề“Tính quốc tế, liên văn hoá và liên ngành trong giảng dạy tiếng Đức thời kỳ toàn cầu hoá”.
Tham dự hội thảo lần này có hơn 140 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Đức, các giáo viên giảng dạy tiếng Đức đến từ nhiều cơ sở đào tạo ở trong và ngoài nước. Đáng chú ý, ngoài các đại diện đến từ các cơ đào tạo tiếng Đức của Việt Nam, còn có các đại diện quốc tế đến từ Đức(Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức - DAAD, Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài - ZfA, ĐHTH Gießen, ĐHTH Leipzig), Áo (ĐHTH Vienna, Trung tâm Khảo thí và Cấp chứng chỉ tiếng Đức quốc tế ÖSD), Thái Lan (Đại học Chulalongkorn, Đại học Thamasat, Đại học Kasetsart, Đại học Khon Kaen), Indonesia(Đại học Yogyakarta, Đại học Pattimura, Đại học Padjadjaran-Bandung, Đại học Yapari-Bandung, Đại học Negeri Surabaya, Đại học Negeri Medan, Đại học Indonesia), Lào (Đại học Quốc gia Lào), Đài Loan (Đại học Ngôn ngữ Wenzao Ursuline), Myanmar (Đại học Ngoại ngữ Mandalay), Philipin (Đại học Philippin) và Trung Quốc (Đại học Nanchang Hangkong). Bên cạnh đó, các chi hội giáo viên tiếng Đức ở các nước trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng cử đại diện đến tham dự hội thảo.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, xu thế phản toàn cầu hóa kéo theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy nổi lên ở nhiều nước trên thế giới đặt ra không ít thách thức cho việc tăng cường giao lưu và gắn kết các nền văn hóa, các quốc gia, dân tộc nói chung và việc giảng dạy ngoại ngữ nói riêng, Hội thảo lần này tập trung thảo luận về tầm quan trọng của tính quốc tế, liên văn hoá và liên ngành trong giảng dạy tiếng Đức thời gian tới, đồng thời bàn các biện pháp tăng cường hợp tác, trao đổi nghiên cứu khoa học, giảng dạy tiếng Đức nhằm đối mặt và vượt qua những thách thức của quá trình toàn cầu hóa.
Trong ba ngày hội thảo, các đại biểu tham dự đã đọc nhiều tham luận, trình bày kết quả nghiên cứu của mình xung quanh các chủ đề (i) Phương pháp giảng dạy kỹ năng giao tiếp liên văn hoá trong giờ học tiếng Đức và những vấn đề trong đào tạo giáo viên; (ii) Vai trò của tính liên ngành trong nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu ngôn ngữ Đức tại Đức, Áo và khu vực châu Á; (iii) Những kỹ năng và kiến thức cần thiết đối với nghề biên phiên dịch trong bối cảnh toàn cầu hoá, … Bên cạnh đó, hội thảo cũng giới thiệu những mô hình hợp tác quốc tế thành công của các viện nghiên cứu ngôn ngữ Đức và trao đổi các khả năng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ Đức trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Christian Berger, Đại sứ CHLB Đức tại Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, khẳng định vai trò của tiếng Đức trong bối cảnh toàn cầu hóa, bày tỏ vui mừng về những bước phát triển của việc dạy và học tiếng Đức ở Việt Nam, ca ngợi những đóng góp quan trọng của các giáo viên tiếng Đức vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị Đức - Việt. Ông Schuller-Goetzburg, Đại sứ Áo tại Hà Nội bày tỏ vui mừng về việc tiếng Đức đã trở thành một môn học trong một số trường phổ thông ở Việt Nam; bày tỏ cảm ơn Chi hội giáo viên tiếng Đức phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc hội thảo, tạo ra diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học và các giáo viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Đức trước những thách thức của quá trình toàn cầu hóa.
Điểm qua những bước phát triển tích cực của công tác giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam trong 5 năm qua, ông Flucht, Phó Viện trưởng Viện Gớt tại Hà Nội ví tiếng Đức như cây bồ đề (Lindenbaum - một loại cây mọc nhiều ở Đức) đã bám rễ sâu và phát triển khỏe khoắn ở Việt Nam. Còn ông Jörg Helmke, Trưởng văn phòng đại diện Ủy ban giáo dục Đức tại nước ngoài (ZfA) ví “các giáo viên tiếng Đức không chỉ là cầu nối giữa các ngôn ngữ, mà còn là những cây cầu gắn kết các thế giới quan khác nhau và là những lữ khách qua lại giữa các nền văn hóa…” ; khẳng định “hội thảo là một diễn đàn lý tưởng để các giáo viên tiếng Đức trao đổi kiến thức, kinh nghiệm làm tốt hơn nghề của mình.”
Sau ba ngày làm việc tích cực, hội thảo đã thành công tốt đẹp.