Hội thảo Nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa tiếng Đức năm học 2019-2020 – Nơi ươm mầm cho các ý tưởng khoa học, sáng tạo của sinh viên
Hội thảo Nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa tiếng Đức 2020 – Nơi ươm mầm cho các ý tưởng khoa học, sáng tạo của sinh viên
Sáng ngày 12/06/2020, tại phòng 514, nhà C, Trường Đại học Hà Nội đã diễn ra Hội thảo NCKH sinh viên Khoa tiếng Đức. Trong nhiều năm qua, hoạt động này được chú trọng và trở thành một hoạt động khoa học thường niên của Khoa. Với mục đích nhằm khuyến khích đam mê nghiên cứu khoa học, đồng thời phát triển khả năng nghiên cứu, sáng tạo trong sinh viên, các giảng viên của Khoa đã khuyến khích sinh viên từ năm thứ 2 trở lên tìm hiểu các lĩnh vực mình yêu thích, đam mê để từ đó có thể tập trung tìm hiểu, khám phá, phát triển thành đề tài khoa học cá nhân.
Năm nay, Hội đồng khoa học Khoa nhận được rất nhiều bài nghiên cứu thể hiện sự say mê, tính sáng tạo, sự công phu của nhiều sinh viên trong ba lĩnh vực Ngôn ngữ học, Văn học và Đất nước học Đức. 8 bài viết chất lượng nhất đã được lựa chọn để trình bày tại buổi hội thảo do các báo cáo viên Hồ Kiều Lan, Tạ Minh Châu, Lê Thu Phương, Nguyễn Hoàng Anh, Lương Minh Nguyệt, Nguyễn Hiền Ngân, Nguyễn Trà Mi thực hiện. Trong số này có các sản phẩm khoa học được sự đồng phối hợp hướng dẫn của các giáo sư, giảng viên thuộc Đại học Tổng hợp Giessen – CHLB Đức và các giảng viên tại khoa tiếng Đức – Trường ĐH Hà Nội. Trong những năm gần đây, việc hợp tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ chương trình GIP do DAAD tài trợ đã thực sự thúc đẩy phong trào dạy và học tại Khoa. Không chỉ các giảng viên mà các sinh viên có trình độ Khá, Giỏi đã có cơ hội nhận học bổng ngắn hạn sang học tập và nghiên cứu tại trường đối tác thành phố Giessen.
Tới dự Hội thảo, bên cạnh các giáo viên trong khoa còn có đông đảo khách mời và sinh viên các khóa khác nhau. Trong thời gian gần 3 tiếng làm việc tích cực, các báo cáo viên đã rất tự tin trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học của mình, nhận được ý kiến phản hồi tốt và nhiều câu hỏi quan tâm của người tham dự. Có thể nói, với khả năng và kiến thức ngôn ngữ- xã hội, các báo cáo viên đã rất xuất sắc khi mạnh dạn lựa chọn những đề tài nghiên cứu mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người, ví dụ như bài báo cáo của sinh viên Hồ Kiều Lan (Khóa 16) về cách sử dụng ngôn từ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay góc nhìn văn hóa của sinh viên Việt Nam trong bài viết của sinh viên Lương Minh Nguyệt (Khóa 17); đặc biệt có những bài nghiên cứu về ngữ pháp, cú pháp dựa trên dữ liệu thực tế từ nguồn bài viết của sinh viên khoa Đức mang tính ứng dụng cao.
Trong thời gian tiếp theo, với sự hỗ trợ của đối tác cũng như sự giúp đỡ tận tình của giảng viên khoa Đức, Hội đồng Khoa học Khoa rất mong muốn sẽ có được những sản phẩm khoa học sáng tạo của thế hệ sinh viên kế cận, tiếp nối truyền thống học tập, nghiên cứu mang tính ứng dụng để góp phần phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên nói chung, của khoa tiếng Đức nói riêng.